Lịch sử vinh quang của bất cứ quốc gia, dân tộc nào trong mọi thời đại đều cho thấy, cần phải có hai nhân tố quyết định: Tầng lớp tinh hoa giữ vai trò lãnh đạo, đại diện cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của quốc gia, dân tộc và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.Lịch sử vinh quang của bất cứ quốc gia, dân tộc nào trong mọi thời đại đều cho thấy, cần phải có hai nhân tố quyết định: Tầng lớp tinh hoa giữ vai trò lãnh đạo, đại diện cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của quốc gia, dân tộc và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Ở nước ta, thời nhà Trần, nhờ có tầm cao trí tuệ và khí phách của bộ máy lãnh đạo quốc gia nên đã thâu thái được trí tuệ của các bộ phận tinh hoa nhất của đất nước, vua sáng tôi hiền, cùng nhau nghị bàn, tìm ra được các quyết sách chính trị đúng: khoan thư sức dân, hòa hợp dân tộc, xóa bỏ tị hiềm, phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, trọng dụng nhân tài, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, tướng tài, binh giỏi, lấy nhân nghĩa, đạo đức làm gốc, lấy danh dự, lợi ích quốc gia làm trọng... Vì thế nên nội trị và ngoại giao đều sáng suốt, khôn khéo, tạo nên sức mạnh Đại Việt ba lần đánh thắng quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới thời kỳ đó. Nhưng tiếc rằng các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của thời hậu Trần đã không giữ gìn được các phẩm chất tốt đẹp mà tiền nhân tạo lập; họ tranh nhau chức quyền, chia phe phái, ăn chơi trác táng, nghi hoặc, khinh rẻ kẻ sĩ chân chính và đục khoét của dân, nên nền văn hóa và chính trị suy đồi, dân tình đói kém, tệ nạn xã hội phát sinh như dịch, bộ máy công quyền từ triều đình đến thôn cùng xóm vắng đa phần đều là lũ sâu dân mọt nước. Vì thế lòng người ly tán, dẫn đến sự sụp đổ của một triều đại mà thế hệ cha ông họ đã làm nên vẻ đẹp kiêu hùng, ghi dấu ấn vàng son rực rỡ, đã trở thành niềm tự hào của dân tộc.
Rồi như triều Nguyễn, với bao năm công sức dựng xây và mở mang bờ cõi, tiếp tục tạo lập một quốc gia hùng mạnh có kỷ cương, có nền văn hiến rực rỡ mà dấu ấn của thời thịnh trị còn lưu truyền đến tận hôm nay. Nhưng rồi cuối đời sự nghiệp cũng tan tành, đất nước rơi vào tay ngoại bang ngót một trăm năm cũng chỉ vì triều đình u tối, ươn hèn, nội trị ngoại giao sai lầm, bộ máy quan lại từ cung đình xuống đến xã thôn hầu hết là lũ bấl lương, áp bức, bóp nặn dân lành, đẩy dân tộc vào cảnh đời nô lệ, lầm than.
Sứ mệnh dẫn dắt dân tộc Việt Nam bước lên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng, giành độc lập, tự do ở đầu thế kỷ XX, lịch sử đã tìm thấy ở bộ phận tinh hoa nhất của dân tộc mà tiêu biểu là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Từ một đất nước bị nô lệ, lầm than, không có tên trên bản đồ thế giới, sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, ngày 02/9/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn lịch sử, khai sinh ra một kiểu nhà nước mới - nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(1).
Giành được chính quyền sau hơn 80 năm bị mất nước là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng giữ vững được chính quyền còn khó khăn gấp bội. Chính quyền non trẻ của nước Việt Nam mới ra đời đứng trước tình thế tựa như “ngàn cân treo sợi tóc”, rất có thể bị thù trong, giặc ngoài bóp chết một sớm một chiều nếu như không có khả năng quyền biến, ứng đối cương nhu, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trí dũng song toàn, khoan dung và độ lượng, lấy việc giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia làm trọng của Hồ Chí Minh cùng với sự đồng tâm hiệp lực, trên dưới một lòng của các chiến sĩ cách mạng và sự hy sinh anh dũng của các giới đồng bào cả nước ta từ Bắc đến Nam. Đấu tranh để tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm là ba nhiệm vụ khẩn cấp lúc bấy giờ.
Lâu nay chúng ta vẫn nói và viết rất nhiều về quyết sách chính trị sáng suốt và việc thực hiện thắng lợi các quyết sách đó của Chính phủ, đứng đầu là Hồ Chủ tịch. Nhưng chúng ta dường như ít nói tới sự sáng suốt và quyết tâm chống một thứ “giặc nội xâm” ngay trong hàng ngũ của chính quyền cách mạng từ buổi đầu. Chỉ có ở tầm cao trí tuệ và sự am tường sâu sắc các căn bệnh thâm căn cố đế, tiềm ẩn như một thứ giặc bên trong của mọi hình thái nhà nước, kể cả nhà nước công nông non trẻ của chúng ta, như Hồ Chủ tịch, thì mới đảm bảo cho sự tồn tại vững vàng của thể chế chính trị tốt đẹp vừa mới được thành lập. Bài học về chống “giặc nội xâm” trong hàng ngũ chúng ta ngay từ khi Nhà nước dân chủ cộng hòa do Đảng lãnh đạo mới ra đời có ý nghĩa trường tồn, nó vẫn đang có tính thời sự nóng hổi khi Nhà nước cộng hòa dân chủ Việt Nam ngày ấy nay đã bước vào tuổi 72 và đang mang tên gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một kiểu nhà nước, với một ước vọng: về thực chất, phải là sự tiến bộ gấp nhiều lần về kỷ cương, về thể chế dân chủ và pháp quyền, về quyền tự do... được thi hành bởi một chính phủ làm công bộc và một đội ngũ cán bộ, công chức thanh liêm, đạo đức, hết lòng tôn kính, phụng sự Nhân dân.
Hơn bất cứ lúc nào, chúng ta cần nhớ lại quá khứ để một lần nữa thấy được tầm cao trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vĩ nhân mà hiện nay Đảng ta đang phát động rộng rãi việc học tập và làm theo, coi đây như là một giải pháp cơ bản nhất nhằm đổi mới, chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: Giặc nào cũng nguy hiểm, nhưng “giặc nội xâm” là nguy hiểm hơn cả vì nó phá hoại lực lượng ta từ bên trong, nó có tầm quan trọng đóng vai trò quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng.
Chống “giặc nội xâm” cũng giống như chống bất cứ thứ giặc nào, nhưng nó khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều vì thế trước hết cần một bộ máy lãnh đạo có mưu lược và trung thành, gương mẫu, sẵn sàng đi tiên phong dẫn dắt toàn dân tộc. Cấp trên, đảng viên phải đi trước, làm trước để cấp dưới, và “làng nước theo sau”. Chúng ta nhớ lại phiên họp ngày 31/10/1946 kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I. Sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên bố:
“Lần này... Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ... Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài.Chính phủ sau đây phải là một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái... Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết...”.
Một nguyên thủ quốc gia, một lãnh tụ của Đảng đồng thời là lãnh tụ của dân tộc mà trịnh trọng, công khai tuyên bố có sức cảm hóa và thu phục lòng người đến như vậy là bởi đằng sau những lời nói bình dị ấy đã được đảm bảo bằng cả cuộc đời trong sáng, không tỳ vết bởi cái tôi vị kỷ, bởi thói tham quyền cố vị, thăng quan phát tài... Một lãnh tụ của đảng cầm quyền, một nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu chính phủ có tâm và có tầm như vậy mới đủ tự tin tuyên bố như vậy và mới đủ tín nhiệm và quyền uy để nói những điều răn dạy cho toàn thể cán bộ, công chức trong hệ thống công quyền ngay từ khi mới có chính quyền như sau:
“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(2).
Hồ Chủ tịch đã chỉ ra kẻ thù bên trong làm suy thoái nền chính sự quốc gia. Đó là những hành vi trái phép nước, coi thường pháp luật, cố tình lách luật; là cậy thế mình ở trong bộ máy nhà nước rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao làm vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân; là ngày càng sa đọa, thoái hóa, xa xỉ, tham nhũng, chiếm đoạt của công; là óc quân phiệt, quan liêu, hình thức chủ nghĩa; là kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc nước là việc công chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai; là kiêu ngạo, tưởng mình ở trong cơ quan chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân, lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Hồ Chủ tịch khuyên nhủ ai chưa mắc những sai lầm đó thì tránh đi, ai đã phạm thì cố gắng sửa chữa. Nhưng Người cũng nghiêm khắc tuyên bố “nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”(3). Người kịch liệt phê phán sự dung túng, kỷ luật hình thức để che mắt dân, đánh lừa dư luận như tình trạng: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể”.
Đọc lại những dòng trên đây, đối chiếu với thực trạng của bộ máy công quyền hiện nay, chúng ta thật không thể hiểu được tại sao trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp từ bộ đến cấp tỉnh, huyện không tự mình nêu gương, tích cực, nghiêm túc thực hiện lãnh đạo, dẫn dắt cơ quan, đảng bộ mình thực hiện nghiêm chỉnh tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Một bộ phận không nhỏ nữa là thủ tiêu đấu tranh, xuê xoa bênh vực che đậy cho nhau. Ở những nơi ấy không những không biết lắng nghe dân, tôn trọng dân mà còn có thái độ và hành vi trù dập, ức hiếp người dân. Tính dân chủ và pháp quyền không được nhận thức đúng trong một số cán bộ chủ chốt; chưa thực hiện đúng tinh thần mọi người, kể cả người dân lẫn cơ quan nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật... Trước những hiện tượng ấy, chúng ta không thể không nhắc lại sự dạy bảo của Bác Hồ rằng cán bộ, đảng viên không được làm trái phép nước, coi khinh Nhân dân, không thể chỉ đề ra chỉ thị, nghị quyết buộc vào cổ người dân, còn mình coi như đứng ngoài vòng kỷ cương, pháp luật. Cán bộ, đảng viên bất cứ cấp nào cũng đều phải khép mình vào kỷ luật của Đảng và tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
Nhớ lại tình hình nước ta năm 1946, cán bộ công chức của ta lúc ấy còn rất non trẻ, cả một đội ngũ vừa yếu, vừa thiếu nên ngày 17/01, Hồ Chủ tịch đã có những lời khuyên chân tình đối với anh em viên chức là phải có bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính: “Có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên liêm chính để cho người ngoài kính phục”. Để duy trì phép nước một cách công minh, khích lệ người tốt, trừng phạt kẻ xấu nên chín ngày sau đó (ngày 26/1), Người đã ký ban hành Quốc lệnh có 10 điều thưởng, trong đó: “Ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng sẽ được thưởng. Ai làm việc gì có lợi cho nước nhà, dân tộc và được dân chúng mến phục sẽ được thưởng...” và 10 điều phạt, trong đó có: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử; Hãm hiếp, cướp bóc sẽ bị xử tử”(5). Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ, công chức của nhà nước ta ngày một trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, số người tốt, người làm được việc không những không thiếu mà ngày một nhiều hơn, giỏi giang, tốt hơn.
Lịch sử không chỉ để lại những thành tựu cho người đời sau ngưỡng mộ, ngợi ca, mà quan trọng hơn cả là để lại những bài học cho hậu thế. Tổ quốc ta, Nhân dân ta đời đời biết ơn và tự hào về cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Tổ quốc ta, Đảng ta, Nhà nước và Nhân dân ta lại càng tự hào hơn nữa vì có một gia tài vô giá, về những bài học mà những người làm nên lịch sử cuộc Cách mạng ấy đã để lại. Tầm cao trí tuệ và sự cố kết dân tộc để chống giặc nghèo nàn, lạc hậu, giặc dốt, giặc ngoại xâm là vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn cả, quyết định nhất vẫn là chống “giặc nội xâm” - chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, tranh giành địa vị... Vì, như V. I. Lênin đã nói, chính những cái đó có nguy cơ làm tiêu vong sự nghiệp cách mạng. Chính nó là quốc nạn, là nguy cơ, là nguyên nhân cơ bản của tình trạng mất lòng dân, và mất lòng tin của Nhân dân là mất tất cả.
Đảng ta đã tỏ rõ quyết tâm chống “giặc nội xâm” bằng các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đều chỉ rõ cụ thể phải chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vấn đề hiện nay là sự quyết tâm như Hồ Chủ tịch đã dạy: Có nghị quyết rồi thì phải thi hành, nói phải đi đôi với làm, cấp trên phải gương mẫu để cho cấp dưới làm theo. Đấu tranh chống “giặc nội xâm” là việc rất khó nhưng khó dễ cũng bởi lòng mình và quan trọng hơn cả là phải biết “thực hành bảo bối” là: dựa vào dân, tin dân bởi “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
PGS. Trần Đình Huỳnh, Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng